Thứ Ba, Tháng Mười 8, 2024

Chân dung hai tỷ phú mới của Việt Nam

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang cùng trở thành tỷ phú với khối tài sản liên quan đến Masan và Techcombank.

Kín tiếng, ít xuất hiện trước truyền thông và không hay nói về khối tài sản khổng lồ là đặc điểm của những người giàu nhất Việt Nam. Hai tỷ phú mới xuất hiện năm nay như ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang cũng vậy.

5 tỷ phú Việt Nam trong danh sách thế giới của Forbes 2019. Ảnh: Tạ Lư.

5 tỷ phú Việt Nam trong danh sách thế giới của Forbes 2019. Ảnh: Tạ Lư.

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank được Forbes ghi nhận với khối tài sản 1,7 tỷ USD trong khi của ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan là 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, khác với ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hay ông Trần Bá Dương, ông Quang và ông Hùng Anh là hai tỷ phú có mối liên hệ với nhau và nguồn gốc tài sản cùng đến từ khối cổ phần tại hai doanh nghiệp Top 10 vốn hóa sàn chứng khoán là Techcombank và Masan.

Phần giới thiệu của Forbes về ông Hùng Anh cho biết, ông và ông Quang là “hai đối tác kinh doanh thân thiết” và có “mối liên hệ đan xen với nhau”. Ông Quang và ông Hùng Anh đều là du học sinh Nga, sớm bén duyên với việc buôn bán, trở về Việt Nam giai đoạn đầu thập niên 90, cùng đầu tư vào Techcombank và sau đó hợp tác xây dựng lên Masan Group của ngày hôm nay.

Ông Quang khởi nghiệp từ thập niên 90, sau nhiều năm học tập tại Nga. Ông có bằng MBA tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov và bằng tiến sĩ tại Học viện Khoa học Quốc gia Belarus.

Tỷ phú này nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong thời kỳ Nga trải qua quá trình chuyển dịch kinh tế và quyết định bán mỳ gói cho người Việt tại đây. Sau đó, ông xây nhà máy sản xuất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng, rồi mở rộng sang nước tương, nước mắm và tương ớt. Sau thành công tại Nga, ông quay về Việt Nam năm 2001 và chuyển hướng tập trung sang thị trường này. Năm 2004, Công ty cổ phần Hàng hải Masan, tiền thân của Masan Group, được thành lập với vốn điều lệ 3.200 tỷ đồng do ông Quang là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông Nguyễn Đăng Quang (trái) và ông Hồ Hùng Anh được xem là một bộ đôi gắn bó lâu năm.

Ông Nguyễn Đăng Quang (trái) và ông Hồ Hùng Anh được xem là một “bộ đôi” gắn bó lâu năm.

Được Bloomberg gọi tên là “tỷ phú nước mắm”, một trong những trụ cột của Masan ngày nay là hàng tiêu dùng với công ty thành viên Masan Consumer – một trong những “đế chế” chi phối thị trường thông qua ba dòng sản phẩm chính là gia vị (thương hiệu Chinsu, Tam Thái Tử), mỳ ăn liền (thương hiệu Kokomi và Omachi) và đồ uống. Theo ước tính của Kantar Worldpanel Vietnam, khoảng 95% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm tiêu dùng của Masan.

Kết hợp giữa tư duy của nhà khoa học và kinh tế, Masan dưới sự chèo lái của ông Quang hướng tới lợi ích dài hạn và luôn đặt cơ hội đầu tư lên hàng đầu. Nhiều năm liên tiếp không chia cổ tức để dành nguồn vốn cho hoạt động M&A, khi được cổ đông đặt câu hỏi về điều này, người đứng đầu Masan đã trả lời rằng: “Trái ngọt ở cuối con đường chứ không phải hai bên con đường”. Triết lý kinh doanh của người đứng đầu Masan còn nằm ở niềm tin giữ tiền mặt trong hệ thống là giữ được vị trí chiến lược. Tại phiên họp thường niên năm 2016, ông Quang nói rằng Masan sẽ không để thấy cơ hội mới đi tìm tiền.

Khác với ông Quang và Masan, con đường đưa ông Hùng Anh đến với vị trí cao nhất tại Techcombank có phần chậm hơn.

Được thành lập từ năm 1993 bởi một nhóm các trí thức du học từ Nga trở về, Techcombank ban đầu gắn liền với tên tuổi của ông Lê Kiến Thành. Sau 10 năm giữ ghế Chủ tịch HĐQT, đến năm 2005, ông Thành đột ngột rút lui khỏi ngân hàng và nhường vị trí này cho bà Nguyễn Thị Nga. Chỉ sau khi bà Nga rút lui, chức danh “thuyền trưởng” Techcombank mới đến tay ông Hùng Anh.

Ông Hùng Anh trở thành cổ đông của Techcombank năm 1995 và là thành viên HĐQT từ năm 2004. Trong khi đó, ông Quang đầu tư vào Techcombank từ năm 1993 và đảm nhiệm vị trí phó tổng giám đốc ngân hàng này từ năm 1995. Tuy nhiên vai trò của ông Quang và ông Hùng Anh chỉ thực sự đậm nét từ năm 2006 khi Masan tham gia sâu hơn vào hoạt động ngân hàng này.

Trở thành Phó chủ tịch HĐQT thứ nhất của Techcombank từ tháng 9/2006 và đến tháng 5/2008, ông Hùng Anh chính thức tiếp quản ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng.

Dưới thời ông Hùng Anh, Techcombank chọn hướng đi có phần riêng biệt hơn trong hệ thống ngân hàng. Nhà băng này không đi sâu vào những phân khúc “nóng” trên thị trường như vay tiêu dùng hay mô hình ngân hàng bán lẻ với mạng lưới rộng, thay vào đó là việc xây dựng hệ sinh thái gắn với những khách hàng lớn như Masan, Vietnam Airlines hay Vingroup và tập khách hàng có chọn lọc. Đẩy mạnh hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc cho vay bất động sản gắn với những dự án lớn, ngân hàng này đạt được biên lợi nhuận cao hơn nhưng chịu rủi ro thấp hơn.

Techcombank nhanh chóng thay đổi cục diện ngành ngân hàng với vị thế là ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có lợi nhuận đứng thứ hai hệ thống trong năm 2018, chỉ sau Vietcombank. Theo báo cáo quản trị ngân hàng này, ông Hùng Anh và người thân đang là một trong những cổ đông lớn nhất của Techcombank với sở hữu hơn 17%. Ngoài ra, Masan hiện cũng là một trong những cổ đông tổ chức lớn nhất với sở hữu gần 15% vốn của ngân hàng.

Đây là năm thứ 33 Forbes công bố danh sách người giàu thế giới. Quy mô tài sản của một cá nhân được Forbes đánh giá dựa vào giá trị cổ phiếu cùng nhiều tài sản khác như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, du thuyền… Năm nay, Forbes đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tính đến ngày 8/2/2019.

Minh Sơn

 

Tin nổi bật

Tin mới